Đa số các ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, không cần thiết phải tách thành hai Luật riêng về xử phạt vi phạm hành chính và Luật về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định về sự tham gia của Viện kiểm sát trong kiểm tra giám sát hoạt động xử phạt và áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính; mở rộng phạm vi được mời luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp trong tất cả mọi trường hợp xử phạt vi phạm hành chính.
Về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, các ý kiến thống nhất giao Tòa án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án trong Luật; chú trọng kết hợp hai yếu tố là tính chặt chẽ và tính kịp thời trong việc ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của tòa án.
Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, nhiều ý kiến nhất trí với mức phạt tiền tối thiểu quy định trong dự thảo luật áp dụng chung cho tất cả các đối tượng và đối với vi phạm có tính chất đơn giản. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng mức phạt tiền tối thiểu 50.000đ là còn thấp; có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem lại mức phạt tối đa 2.000.000đ là quá cao, chưa phù hợp với quy định trong Bộ Luật hình sự và khó khả thi trong thực tế.
Một số ý kiến đề nghị nên quy định vào dự thảo luật việc thành lập lực lượng chuyên trách xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm chất lượng trong quá trình xử phạt. Lực lượng này do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định quy chế thành lập...
Bích Liễu